10 NGUYÊN LÝ THỊ GIÁC CƠ BẢN
Nguyên lý thị giác là tập hợp các quy tắc phổ biến, giúp giải thích phản xạ của mắt và não con người, khi quan sát môi trường xung quanh. Các nguyên lý này đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế, nhiếp ảnh, quảng cáo, và kiến trúc, thậm chí trong cả lĩnh vực tâm lý con người. Mời bạn cùng Azdraw khám phá 10 nguyên lý thị giác cơ bản sau:
1. Nguyên Lý Hình Thái
Nguyên lý hình thái bao gồm các quy tắc giúp chúng ta hiểu cách tổ chức các yếu tố hình ảnh khác nhau trở thành những tổng thể có nghĩa.
- Quy tắc liền kề:
Các đối tượng sắp đạt gần nhau có xu hướng được nhóm thành một hình thể. Ví dụ, các chấm điểm đặt gần nhau sẽ tạo thành một đường hoặc một hình dạng nào đó.
- Quy tắc tương đồng:
Các đối tượng có đặc điểm giống nhau (về màu sắc, hình dạng, kích thước, v.v.) có xu hướng được liên kết chặt chẽ với nhau. Điều này giúp não bộ nhận diện các mô hình hoặc cấu trúc vật thể.
- Quy tắc tổng thể:
Mắt của chúng ta có xu hướng nhìn tổng thể, ngay cả khi chúng bị gián đoạn. Ví dụ, khi thấy một đường thẳng cắt qua một đường cong, ta thường hình dung chúng là một khối tổng thể, hơn là xem chúng là hai phần riêng biệt.
- Quy tắc suy diễn:
Con người có xu hướng “suy diễn” các phần còn thiếu của đối tượng nào đó, suy diễn chúng như một tổng thể hoàn chỉnh. Ví dụ hình tròn khuyết một mảnh tam giác, mắt có xu hướng suy diễn tổng thể là hình tròn.
- Quy tắc tối giản:
Chúng ta thường có xu hướng tập trung mắt nhìn vào các hình dạng đơn giản nhất, trước khi bắt đầu kích hoạt các quy tắc thị giác phức tạp khác như suy diễn.
2. Nguyên Lý Cân Bằng.
Cân bằng là cách chúng ta sắp đặt hình thể trong một bố cục nào đó để tạo ra sự hài hòa, ổn định. Có hai loại cân bằng chính:
- Cân bằng đối xứng:
Bố cục được chia thành hai phần bằng nhau, các yếu tố trong hai phần này giống nhau. Điều này tạo ra cảm giác ổn định, nghiêm túc, và có trật tự.
- Cân bằng bất đối xứng:
Các yếu tố trong bố cục không giống nhau về hình dạng, kích thước, hoặc màu sắc, nhưng chúng vẫn được sắp xếp cân bằng về thị giác. Điều này g tạo ra cảm giác năng động và thú vị hơn.
3. Nguyên Lý Tương Phản.
Tương phản là sự khác biệt rõ ràng về thị giác như màu sắc, kích thước, hình dạng, hoặc kết cấu. Tương phản làm nổi bật các yếu tố quan trọng trong bố cục tạo hình, thu hút sự chú ý của người xem, tạo ra điểm nhấn có mục đích cụ thể. Ví dụ, sử dụng màu tương phản đỏ, xanh lá, hoặc tỉ lệ lớn, nhỏ khác nhau giữa các đối tượng sẽ tạo ra hiệu ứng tương phản mạnh mẽ.
4. Nguyên Lý Phân Cấp
Phân cấp là cách sắp xếp các yếu tố thị giác theo thứ tự quan trọng to nhỏ, đậm nhạt, dầy mỏng khác nhau. Nguyên lý này giúp người xem dễ dàng hiểu được thứ tự thông tin và nhận diện các yếu tố chính, phụ trong bố cục. Ví dụ, tiêu đề lớn hơn và đậm hơn sẽ dễ thu hút sự tập trung trước tiên vào nội dung tiêu đề.
5. Nguyên Lý Tỷ Lệ
Tỷ lệ là sự khác nhau về kích thước giữa các hình thể trong một bố cục nào đó. Sự phân chia tỷ lệ có thể ảnh hưởng đến bố cục tổng thể của một tác phẩm. Ví dụ, bức tranh có hình ảnh mục tiêu lớn hơn các phần còn lại, sẽ trở thành trọng tâm nội dung của tác phẩm. Sử dụng tỷ lệ to nhỏ khác nhau một cách hợp lý sẽ tạo ra bố cục hài hòa và cân bằng cho tác phẩm nghệ thuật.
6. Nguyên Lý Nhịp Điệu
Nhịp điệu là sự lập lại của các yếu tố hình thể, tạo ra cảm giác chuyển động hoặc dòng chảy. Các yếu tố như hình dạng, màu sắc, khoảng cách, vị trí lặp lại theo chu kỳ cụ thể sẽ tạo ra nhịp điệu. Ví dụ, sự lặp lại của các hình dạng theo chu kỳ lên xuống, sẽ tạo ra cảm giác nhịp điệu chuyển động.
7. Nguyên Lý Khoảng Cách
- Khoảng trống: Khoảng không gian trống giữa các yếu tố, giúp tạo ra sự rõ ràng, sạch sẽ, làm nổi bật các yếu tố chính. Sử dụng khoảng trống một cách hợp lý, thiết kế trông sẽ tinh tế, chuyên nghiệp hơn.
- Khoảng cách cụ thể giữa các yếu tố: Sắp xếp các yếu tố với khoảng cách phù hợp sẽ tránh sự rối loạn, đảm bảo các yếu tố được trình bày một cách logic, có trật tự.
8. Nguyên Lý Đồng Bộ
- Căn chỉnh theo lưới: Sử dụng lưới để sắp xếp không gian, khoảng cách, cột, hàng, khoảng trống, cho các yếu tố trong thiết kế, tạo ra sự đồng bộ cho thiết kế. Căn chỉnh theo lưới giúp thiết kế trông gọn gàng, logic, hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
- Căn chỉnh theo cạnh: Đảm bảo rằng các yếu tố trong thiết kế được căn chỉnh theo cạnh, trái phải, trên dưới, ở giữa, hoặc đường thẳng nhất định, giúp tạo ra sự liên kết thị giác có sự thống nhất giữa các yếu tố.
9. Nguyên Lý Nhấn Mạnh
- Sử dụng màu sắc hoặc kiểu dáng khác biệt: Tạo sự nhấn mạnh bằng cách sử dụng màu sắc sáng hoặc kiểu dáng đậm nét, rõ ràng hơn để làm nổi bật yếu tố quan trọng, cần thu hút ngay lập tức.
- Sử dụng hình ảnh hoặc yếu tố nổi bật: Các hình ảnh lớn hoặc, yếu tố phức tạp có thể thu hút sự chú ý và nhấn mạnh thông điệp chính của thiết kế.
10. Nguyên Lý Thống Nhất
- Sự liên kết giữa các yếu tố: Sử dụng màu sắc, kiểu chữ, hình dạng đồng nhất sẽ tạo ra sự logic và sự nhất quán trong thiết kế. Điều này giúp các yếu tố khác nhau trong thiết kế trở thành tổng thể thống nhất. Điều này giúp truyền tải thông điệp thiết kế một cách mạnh mẽ, hiệu quả.
- Sự lặp lại: Sử dụng các yếu tố lặp lại sẽ tạo ra sự thống nhất, liên tục trong thiết kế, giúp thiết kế trở nên dễ nhận biết hơn. Các thông điệp thiết kế được nhấn mạnh, ghi nhớ lâu hơn.